Lưu Trữ một số bài viết của Vs Tịnh Mạc
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Học lại một ''tuyệt chiêu'' (II)

Go down

Học lại một ''tuyệt chiêu'' (II) Empty Học lại một ''tuyệt chiêu'' (II)

Bài gửi by Tuệ Đức Hải Đăng January 9th 2013, 8:00 pm

Học lại một ''tuyệt chiêu'' (II) 96yzgo10

Mấy hôm nay hai đài phát thanh Việt Ngữ lớn mạnh nhất tại vùng Nam Cali, xảy ra chuyện tranh chấp xoay quanh vấn đề về ngôn ngữ, cách đăng tin và bình luận của nhau. Một đài trên sóng AM, một đài trên sóng FM. Hai xướng ngôn viên trong tình trạng khẩu chiến, là hai gương mặt rất kỳ cựu. Tôi cũng rất thích họ về cách bình luận và kiến thức khá sâu rộng về nhiều lĩnh vực của họ. Một người là bà Bùi Bích Hà, người kia là ông nhà báo Bảo Trúc Bùi Bảo Lâm. Đề tài của '' chiến sự'' là do một bên khi viết bài đăng báo, đã dùng cụm từ '' vị hiệu trưởng " để nói về người hiệu trưởng mua dâm nữ sinh, trong vụ án chấn động dư luận từ tỉnh Hà Giang-Việt Nam. Bên kia thì không đồng ý cái từ " vị hiểu trưởng '' rất trịnh trọng ấy , mà phải gọi là '' thằng khốn nạn "...

Thế rồi chỉ vì chuyện ấy mà hai bên đưa nhau lên sóng phát thanh, để ca cẩm và kể cả miệt thị nhau bằng những ngôn từ khá nặng nề. Chuyện diễn tiến đến đâu thì tôi không được rõ và trong bài viết này cũng không có ý định mổ xẻ vấn đề '' vị " hiệu trưởng dâm đãng kia. Nhưng lại lấy nó làm cái '' cớ '' để chia sẻ với các môn sinh -huynh đệ. Bởi bao giờ thì cái ấn tượng đầu tiên của một người khác đối với mình, trước là y phục sau là cách ăn nói. Cách đối đáp, nói chuyện là một sự biểu thị rất rõ nét về phong cách, tính cách, trình độ văn hóa và kể cả tông giống- truyền thống gia đình. Xa hơn nữa thì qua cách ăn nói cũng sẽ là cơ sở, để '' thẩm định " mức độ trưởng thành của đời sống tâm linh của một con người.

Nói là phương thức giao tiếp rất căn bản giữa con người và con người, hơn thế nữa lời nói có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, danh dự, cơ may của ta. Đắc nhân tâm hay thất nhân tâm cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những gì mà miệng lưỡi thốt ra. Không phải tự dưng mà cổ văn đã dạy rất nhiều điều về sự cẩn trọng lời nói. Mà bao bậc tiền nhân, đã thấm đầy rẫy kinh nghiệm rất xương máu, để họ cho chúng ta biết..

- Thần khẩu hại xác phàm ( lời nói hại thân)

- Bệnh do khẩu nhập, họa do khẩu xuất ( bệnh do những thứ thực phẩm đưa vào từ miệng, tai họa do những lời từ miệng nói ra ).

Phật giáo còn dạy những điều liên quan vấn đề này, và họ gọi là Khẩu Nghiệp. Mà cũng không riêng Phật Giáo, hầu hết các tôn giáo khác, đều có những giáo lý về sự cẩn trọng môi lưỡi trong đời sống của con người.

Nếu chúng ta chịu khó tìm tòi trên sách vở của Hán văn và Việt văn, hoặc các nền văn hóa khác. Chúng ta sẽ thấy rất nhiều những câu danh ngôn, ngạn ngữ giúp mình có một kiến thức căn bản về cách sống, cách nói, cách làm việc. Biết bao câu danh ngôn ngàn đời cổ kim ấy, cũng nhằm minh xác một điều.. " Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không biết là bất nghĩa" .

Về kỹ năng này, thiết nghĩ đã có rất nhiều phương pháp, sách vở, báo chí...đã đề cập đến. Tôi tin rằng những tác giả những công trình ấy, họ hơn mình rất nhiều trong cách lý luận và trình bày. Giúp cho người đọc có sự lĩnh hội bài bản, chi tiết một cách thấu đáo hơn. Tuy nhiên để có một kỹ năng nói chuyện, thì ngoài biết đọc thì vẫn cần đến '' tuyệt chiêu'' biết nghe, biết suy nghĩ sàng lọc và biết bắt chước. Con người chỉ cần ba năm là biết nói, nhưng cần hàng chục năm để biết nói khôn ngoan, chuẩn mực, lễ phép, chân thật và lịch lãm.

Hãy học cách nói với một người, trước khi muốn hùng biện trước đám đông. Có biết bao người khi đối diện trước một người, thì ấm a ấm ớ như gà nuốt dây thun. Khi trước đám đông thì run còn hơn cầy sấy. Từng có kinh nghiệm cho rằng, con người ta sợ nói chuyện trước đám đông còn hơn sợ rắn.

Hãy rèn luyện kỹ năng nói tiếng mẹ đẻ cho tốt, trước khi hoặc song song với việc học tiếng '' mẹ ghẻ " . Đừng để mãi cái tình trạng ngô chẳng ra ngô, khoai chẳng ra khoai, cho đến chết thì thứ chi cũng chỉ là '' nửa mùa hương phấn" .

Hãy bỏ đi cái quan niệm kẻ nói chuyện theo lối '' dùi đục mắm nêm '', thì là khẩu xà tâm phật. Hay ăn nói cộc cằn, nhát gừng là những người chân thật, đáng tin tưởng. Bởi lẽ vẫn có nhiều người khẩu phật tâm phật, hay ăn nói lịch lãm nhưng rất chân tình. Như thế thì có phải quý tốt hơn không ? Một lời nói cũng có thể làm phương tiện để người giác ngộ, tiến bộ hay hạnh phúc. Mà một lời nói cũng có thể như dao đâm gươm chém, gây ra những vết thương lòng khủng khiếp và có khi vĩnh viễn trong tâm hồn một ai đó. Lời đã nói ra không thu về được, '' nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy'' là vậy đó.

Chúng ta là những người còn trẻ, nên khả năng tiếp thu , học hỏi vẫn còn dễ dàng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bởi thế mình nên có những suy nghĩ với chiều hướng tìm về, học lùi lại những thứ mà mình tưởng đã ngon lành từ lâu. bởi những kỹ năng ấy mãi là những ''tuyệt chiêu'' cần thiết cho chính mình và mọi người chung quanh mình.

Hãy luyện rèn thêm cho ''tuyệt chiêu'', để biết ..

* Nói những điều cần nói, những điều có ích

* Nói đủ những điều cần thiết và có ích

* Nói đúng đối tượng, biết đối tượng mình đang nói họ là ai

Cũng nên biết đôi lúc im lặng là phương cách tốt nhất, im lặng là lời nói hùng hồn, cương quyết nhất.

---***-----

Tâm sự riêng

Có rất nhiều học viên của tôi đã ảnh hưởng xu hướng '' xã hội'', nên trong ngôn từ có những giới hạn, mà những giới hạn đó rất dễ sửa. Ví dụ như ..

* Trường hợp 1:

Trong một buổi họp mặt nào đó, người về sớm hơn mọi người đứng lên mà " hô'' một khẩu hiệu có vẻ rất tác phong cán bộ

- Thôi, xin tổng chào !

Thế thì nhanh gọn, chẳng ai trách là cắp đít đi mà chẳng biết chào ai. Thế nhưng chào thế thì gọi là chào.. mất dạy. Bởi nếu trong số đông đó có những người vai vế cao hơn, số tuổi chênh lệch nhau.

* Trường hợp 2 :

Tương tự trường hợp một ở khía cạnh quy đồng. Thích nhập chung người khác để thành một ngôi vị hay một bọn. Có những người nói chuyện với tôi cùng với học trò tôi nhưng lại gom rau một rổ mà gọi thành " hai anh'' hay '' các anh ''. Cho dù là trường hợp học trò tôi có là chức sắc tôn giáo, hay là hàng sư thầy của các hệ phái hoặc môn học nào đó. Nhưng nếu họ đang trong phạm vi thuộc quyền của tôi, thì cái câu kiểu hai sợi chỉ luồn một lỗ kim '' các thầy'' cũng là điều không thể chấp nhận. Người ngoài thì sẽ bị đánh giá là nói năng thiếu cẩn trọng và lịch lãm. Còn nếu là môn sinh thì chính là sự thiếu ý thức và vô lễ.

Trường hợp 3:

Xưng hô lộn xộn, không thượng hạ phân minh, tình lý rõ ràng. Lâu trước tôi có tên học trò khi đi ra đường nó gặp mình, thì nó rượt theo miệng liên hồi gọi " anh ấy, anh ấy ơi ".. Nghe thật chướng khí. Còn nhỏ dưới thành niên thì bổn phận làm thầy phải dạy, nhưng đã lớn khôn và có khi lớn già rồi, mà để thầy phải dạy những giao tiếp hết sức căn bản ấy, thì người dạy cũng khó nói mà người nghe cũng khó nghe. Trong làng võ khi xưa, ai cũng biết chuyện tranh chấp của hai thầy trò đều có chức cao danh trọng. Người thầy thì là tu sĩ Phật Giáo, còn trò thì chỉ là một tục gia. Thời gian thấm thoát, thế sự đảo ngược.. Vị thầy hoàn tục, học trò lại đi tu. Thời gian dài sau này, vị thầy lại xuất gia trở lại. Theo quy môn nhà Phật, thì khi hồi tục rồi, thì phải tu lại từ đầu. Điều đó khiến vị thầy trở nên có phẩm trật nhỏ hơn đệ tử kia. Rồi không rõ có phải cũng là quy luật hay không, mà người học trò nhất quyết không gọi thầy của mình năm xưa bằng thầy xưng con nữa.

Chính tôi cũng có học trò là tu sĩ, có một lần vị tu sĩ ấy chắc muốn lấy le với ai. Để qua điện thoại, tôi nghe hắn nói với tôi

- Có muốn cầu nguyện gì, để thầy cầu cho.

Nghe vừa nhục cho tôn giáo mình, nhục cho mình và nhục thay cho tên '' đạo sĩ'' mà vô đạo ấy.

Rồi cũng có những câu nói rất '' vô tình'', của các môn sinh còn nhỏ tuổi, nghe mà dở khóc dở cười..

Một lần có chuyến hành hương bị hủy bỏ, vì tai nạn. Một chị thân hữu nhưng hơn tôi cả mấy chục tuổi, chị ấy và một vài em môn sinh phải ngủ lại nhà tôi vì quá khuya. Trong đó có một đứa về, nó chào chị thân hữu như sau ..

- Chào bác... con về, con chúc bác... ngủ với thầy vui vẻ.

Nghe tá mà hỏa tam tinh !

Rồi chuyện một chị lớn tuổi trong đoàn hành hương, nói với tôi trước mặt bao người..

- Ông thầy này hay dễ sợ, con gái tôi đi với ổng một đêm là về có bầu.

Nghe mà thần kinh đảo lộn, chân khí chạy tứ tung ngũ hoành.

Ý chị ta muốn nói là sau chuyến hành hương, cầu nguyện suốt đêm lần trước cùng cộng đoàn. Người con gái của chị đã có tin mừng mang thai ( Chắc đám cưới một thời gian nào đó, mà cặp vợ chồng ấy chưa có tin vui ).

Kết

Viết về cách nói là một đề tài ''lắm sự'', không biết phải thế nào, phải đi đến đâu mới là cùng đích. Tuy vậy tôi ước mong qua những dòng gọi là '' lá thư'' này, các môn sinh và huynh đệ của tôi, thêm sự nhận thức trong việc rèn luyện kỹ năng này. Bởi vì '' lời nói chẳng mất tiền mua'' và

" Nhớ ơn ai nói một lời
Mắt nhìn một lúc, môi cười nghĩa ân " (*)

VS Hải Đăng
Tuệ Đức Hải Đăng
Tuệ Đức Hải Đăng
Bút Hiệu : Tịnh Mạc
Bút Hiệu : Tịnh Mạc

Tổng số bài gửi : 425
Join date : 05/08/2011
Đến từ : SA MẠC

http://viethaidao.tk

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết